Thursday, 27/03/2025 - 20:25|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HÀ TĨNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TỔ NGỮ VĂN TRƯỜNG THPT NGUYỄN CÔNG TRỨ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHOÁ SÂN KHẤU HOÁ VĂN HỌC DÂN GIAN “SUỐI NGUỒN DÂN GIAN”

TỔ NGỮ VĂN TRƯỜNG THPT NGUYỄN CÔNG TRỨ THỰC HIỆN THÀNH CÔNG HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGOÀI GIỜ CHÍNH KHOÁ SÂN KHẤU HOÁ VĂN HỌC DÂN GIAN “SUỐI NGUỒN DÂN GIAN”

        Văn học dân gian là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng được tập thể nhân dân sáng tác, nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho những sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng. Với người Việt Nam, văn học dân gian là nguồn sữa trong lành nuôi dưỡng bao thế hệ trẻ lớn lên trong chiếc nôi tre Việt Nam, trong tiếng ru ầu ơ dân tộc. Văn học dân gian không chỉ góp phần thể hiện đời sống lao động và tâm hồn người bình dân mà còn là mảnh đất màu mỡ chắp cánh cho vườn hoa tình yêu tỏa hương khoe sắc. Qua văn học dân gian, ta cảm nhận rõ hơn sự kỳ diệu của ngôn ngữ tình yêu, thấy thương hơn gốc lúa, vườn rau, yêu hơn cuộc sống quanh ta. Văn học dân gian còn mang lại những tiếng cười hóm hỉnh, hài hước đem đến bài học nhân sinh sâu sắc. Phát huy giá trị của Văn học dân gian, sáng ngày 16 tháng 12  năm 2024 tổ Ngữ Văn trường THPT Nguyễn Công Trứ đã tổ chức chương trình hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá với hình thức sân khấu hoá với chủ đề "Suối nguồn dân gian ".

      Căn cứ kế hoạch các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá năm học 2024 - 2025 của trường THPT Nguyễn Công Trứ, Căn cứ kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục của Tổ Ngữ văn, chúng tôi đã xây dựng và thực hiện thành công hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá sân khấu hoá văn học dân gian “suối nguồn dân gian”. Hoạt động này mang đến những mục đích tốt đẹp giúp học sinh cảm nhận sâu sắc đặc trưng và vẻ đẹp của văn học dân gian Việt Nam, tạo sân chơi bổ ích, gợi hứng thú cho học sinh trong học tập môn Ngữ văn, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu tha thiết với di sản văn hóa dân tộc; Gắn lí thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành theo quan điểm dạy học hiện đại. Hình thành các kỹ năng sống, phát triển trí tuệ, năng lực, hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Và đây là cơ hội để học sinh bộc lộ năng khiếu và có định hướng nghề nghiệp đúng đắn.

      Tham dự giờ hoạt động ngoại khoá này có sự hiện diện của cô Nguyễn Thị Hải Yến – Bí thư Đảng Uỷ - Hiệu trưởng nhà trường, thầy Trần thế Anh phó hiệu trưởng, thầy Phan Trọng Đức phó hiệu trưởng, 24 giáo viên chủ nhiệm cùng tất cả học sinh toàn trường.

                      MC – học sinh lớp 10 – rất tự tin, rất chuyên nghiệp

Chương trình diễn ra với tiết mục múa “Trống cơm” – dân ca Bắc Bộ do tốp múa nam nữ học sinh lớp 10 biểu diễn, điệu múa được bắt nguồn từ bài dân ca quen thuộc với âm điệu vui tươi mà hầu như người Việt nào cũng thuộc nằm lòng “tình bằng có cái trống cơm/ Khen ai khéo vỗ, ố mấy bông mà nên bông, ố mấy bông mà nên bông”. Các nữ sinh lớp 10 xinh xắn, duyên dáng, các nam sinh khôi ngô, khoẻ khoắn trong điệu múa dân gian đã góp phần chuyển tải nét đẹp của văn hoá, văn học dân gian Việt Nam thấm sâu vào cảm thức của người xem. Qua đây có thể thấy, bài hát “Trống Cơm” không chỉ đơn thuần là một bài hát dân gian mang giai điệu vui tươi, lời ca mộc mạc dễ nhớ, mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc về tình yêu, lòng chung thuỷ son sắt và khát vọng cống hiến.

Các nữ sinh lớp 10 xinh xắn, duyên dáng, các nam sinh khôi ngô, khoẻ khoắn

trong điệu múa Trống cơm - Dân ca Bắc Bộ

             Tiếp đến là  một vở kịch dân gian hấp dẫn, lấy đề tài từ cuộc sống đời thường, nội dung mang tính châm biếm, đã kích quan lại địa phương giàu chất hài hước “Ngêu, Sò, Ốc, Hến” tất cả các nhân vật đều là nạn nhân của xã hội phong kiến suy tàn. Ngêu lợi dụng tín ngưỡng làm điều vô lương, Ốc cuộc sống nghèo hèn trở thành lưu manh, trộm cướp, Sò điển hình của tầng lớp địa chủ cường hào, Thị Hến từ phụ nữ thân phận mỏng manh trở nên đanh đá chua ngoa nhưng thông minh, dí dỏm. Vở kịch mang đến đến cho chúng ta tiếng cười sảng khoái nhưng thâm thúy, sâu cay được thể hiện bởi các bạn đến từ lớp 10.

      Nội dung của vở kịch nói về tên Ốc là kẻ trộm, nhờ thầy bói Nghêu (hay Ngao) gieo quẻ chỉ hướng vào ăn trộm nhà Trùm Sò. Ốc đem của trộm được bán cho Thị Hến, một gái góa trẻ đẹp. Lý trưởng và Trùm Sò đến lục soát bắt được tang vật, liền giải Thị Hến lên trình quan huyện. Khi đến công đường, Thị Hến đã làm cho quan huyện và thầy đề mê mệt vì nhan sắc của mình. Kết quả là Trùm Sò mất tiền, thầy Lý bị đòn, Thị Hến được tha bổng. Kết thúc vở kịch là cảnh cả quan huyện, thầy đề, thầy Lý vì mê mẩn Thị Hến chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen tại nhà Thị Hến.

     Giá trị của vở kịch  “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” lên án, phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp thống trị phong kiến xưa cũ nhưng được thổi vào hơi thở của hiện đại qua những câu thoại dí dỏm, quen thuộc và gần gũi với cuộc sống đương thời. Vở kịch đã mang lại cho khán giả những tràng cười sảng khoái, những bài học về cuộc sống dưới góc nhìn hiện đại.

Diễn kịch: “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” - thể hiện bởi các diễn viên xuất sắc đến từ lớp 10

      Tiếp nối chương trình là trò chơi rất hấp dẫn  dành cho các bạn khán giả ở dưới sân khấu. Những câu đố vui, trí tuệ của văn học dân gian được các bạn học sinh trả lời nhanh chóng, mỗi bạn trả lời đúng đều được nhận một phần quà nhỏ xinh.

    Và cuối cùng là học sinh thuyết trình về Bài luận: Giá trị và sức hấp dẫn của Văn học dân gian trong xã hội hiện đại.

Học sinh trả lời câu đố dân gian

 

Học sinh trả lời câu đố dân gian

      Ngoài ra, khán giả còn được tham gia thi vẽ tranh minh hoạ về văn học dân gian. Bức vẽ đã hoàn thành trong một thời gian rất ngắn bởi bàn tay của nữ hoạ sĩ là học sinh lớp 10.

Học sinh thi vẽ tranh minh hoạ cho tác phẩm văn học dân gian

Học sinh giới thiệu về bức hoạ

   Với tài năng của các bạn thành viên trong Câu lạc bộ Trường THPT Nguyễn Công Trứ thì những điệu hò, câu hát, bắt rễ từ trong tâm hồn người dân Việt bao đời nay là được khoác lên mình màu áo mới của cuộc sống hiện đại. Màu áo ấy đồng nghĩa với mong muốn của thế hệ trẻ hôm nay sẽ lưu giữ giá trị của văn học dân gian bằng nhiều hình thức khác nhau, trong nhiều nhạc cụ khác nhau, để chứng tỏ rằng vẻ đẹp về sức sống và giá trị trường tồn của các tác phẩm dân gian là mạch ngầm tát mãi không cạn, gọi mãi không cùng.

        Hoạt động, giúp các em hiểu rõ hơn về những giá trị to lớn của văn học dân gian trong mối quan hệ với nền văn học dân tộc: Đã có một dòng sông chảy mãi theo chiều dài đất nước và bất tử cùng tháng năm. Từ cội nguồn thiêng liêng của dân tộc, dòng sông ấy bền bỉ thấm sâu vào lòng đất mẹ, lặng lẽ bồi đắp văn hóa phù sa cho những làng quê đất Việt, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn người Việt, tạo nên nền Văn hóa dân gian Việt.  Đồng thời hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá sân khấu hoá văn học dân gian “suối nguồn dân gian”, góp phần tạo cảm hứng cho học sinh thêm yêu bộ phận văn học dân gian Việt Nam nói riêng và nền văn học Việt Nam nói chung.

BAN TRUYỀN THÔNG - VĂN HÓA

 

 

 

 

 


Lượt xem: 545
Tác giả: Trường THPT Nguyễn Công Trứ
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết