1. Lịch sử phát triển
- Năm 1991, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Giáo dục Nghệ Tĩnh. Cơ cấu tổ chức của Sở có Lãnh đạo Sở và chỉ có 06 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng HCTH; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ, Thường xuyên, chuyên nghiệp; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Giáo dục mầm non, tiểu học; Phòng Giáo dục trung học).
- Năm 2008, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 39/2008/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo (thay thế Quyết định số 33/2005/QĐ-UB-NV ngày 06/5/2005 của UBND tỉnh Hà Tĩnh). Theo đó, cơ cấu tổ chức của Sở có Lãnh đạo Sở và có 11 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Giáo dục mầm non, Phòng Giáo dục tiểu học; Phòng Giáo dục trung học; Phòng Giáo dục thường xuyên; Phòng Giáo dục chuyên nghiệp; Phòng CNTT; phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục).
- Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết đinh số 47/2012/QĐ-UBND ngày 23/8/2012. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Sở gồm: Lãnh đạo Sở; 10 phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở (Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Giáo dục mầm non; Phòng Giáo dục tiểu học; Phòng Giáo dục trung học; Phòng Giáo dục thường xuyên; Phòng Giáo dục chuyên nghiệp; Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng). Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, gồm: Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và Giáo dục thường xuyên tỉnh; Trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp (không bao gồm các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập của các Bộ đóng trên địa bàn); trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học trung học phổ thông; trường phổ thông dân tộc nội trú.
- Đến nay, thực hiện Quyết định số 37/2017/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 cơ cấu tổ chức của Sở gồm: Lãnh đạo và còn 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ (Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Kế hoạch - Tài chính; Phòng Chính trị, tư tưởng; Phòng Giáo dục Mầm non; Phòng Giáo dục phổ thông; Phòng Giáo dục Thường xuyên và Chuyên nghiệp; Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục). Các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, gồm: Trường trung học phổ thông; trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có cấp học trung học phổ thông; Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Hà Tĩnh; Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Sư phạm và Giáo dục thường xuyên tỉnh; trung tâm ngoại ngữ, tin học.
2. Dấu ấn trên chặng đường phát triển của Sở GD&ĐT Hà Tĩnh:
Cùng với sự phát triển của lịch sử quê hương, đất nước; Giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh trong thời kỳ nào cũng có những điểm sáng, đánh dấu những mốc phát triển riêng trong nền giáo dục nước nhà. Thời kỳ hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (thành tỉnh Nghệ Tĩnh từ 1975-1990), Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt” trong điều kiện thiên tai bão lụt triền miên, đời sống của cán bộ, giáo viên và học sinh gặp phải điều kiện vô cùng khó khăn nhưng giáo dục Nghệ Tĩnh vẫn dành được nhiều thành tích xuất sắc. Các phong trào “Soạn kỹ giảng sâu, học đến đâu thực hành đến đó”; “Giỏi việc trường, đảm việc nhà, chăm việc học”; phong trào “Tấm gương sáng”; “Viết sáng kiến kinh nghiệm”,..đã thật sự để lại dấu ấn tiêu biểu của giáo dục tỉnh nhà.
Thời kỳ tái lập tỉnh Hà Tĩnh và trong công cuộc đổi mới (1991- nay), Ngành giáo dục tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Hà Tĩnh đã xây dựng được một hệ thống giáo dục với quy mô khá hoàn chỉnh, đủ các bậc học, cấp học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và xã hội hoá; từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân để nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Giáo dục Hà Tĩnh luôn được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu trong toàn quốc. Đây cũng là một trong những lĩnh vực nổi trội trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh, vinh dự được nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất năm 2010; Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiều lần tặng Cờ thi đua xuất sắc.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa 11) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Trên chặng đường tiếp theo, nhằm đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển của đất nước, quê hương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Ngành giáo dục và đào tạo Hà Tĩnh tiếp tục nỗ lực vươn lên xứng đáng với truyền thống của quê hương./.