Thực hiện tốt chủ đề “Tết và mùa xuân” góp phần giáo dục văn hóa truyền thống cho trẻ mầm non
Đối với trẻ mầm non, việc giáo dục về ý nghĩa và giá trị văn hóa của Tết Nguyên Đán vô cùng quan trọng, không chỉ giúp trẻ em hiểu về văn hóa dân tộc mà còn góp phần giúp phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ.
Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật, là dịp thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Việt là tài sản tinh thần vô cùng quý giá, chứa đựng vô vàn ý nghĩa đẹp đẽ, nghĩa tình và thiêng liêng.
Đối với trẻ mầm non, việc giáo dục về ý nghĩa và giá trị văn hóa của Tết Nguyên Đán vô cùng quan trọng, không chỉ giúp trẻ em hiểu về văn hóa dân tộc mà còn góp phần giúp phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm và thẩm mỹ.
Ý nghĩa của chủ đề “Tết và mùa Xuân” trong Chương trình giáo dục mầm non
“ Tết và mùa xuân” là chủ đề quan trọng đã được các trường mầm non lựa chọn trong tiến trình tổ chức, thực hiện Chương trình Giáo dục Mầm non. Thời gian thực hiện chủ đề thường được bố trí trong khoảng tháng 12, đến hết tháng 3 hàng năm. Để giúp trẻ khám phá về chủ đề Tết và mùa Xuân, các nhà trường đã đa dạng, linh hoạt trong thời gian, hình thức tổ chức; chú trọng thực hành, trải nghiệm theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Trẻ có thể tìm hiểu chủ đề mọi lúc, mọi nơi, qua hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động chiều và ngay cả trong hoạt động đón, trả trẻ hay thể dục sáng…
Các trường linh hoạt, sáng tạo tổ chức các hoạt động nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị cho trẻ: khám phá sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên xung quanh khi mùa Xuân đến; trang trí không gian Tết trong và ngoài lớp học; tổ chức Hội chợ Xuân, các trò chơi dân gian; thiết kế trang phục, trình diễn “thời trang nhí”; thực hành gói bánh chưng, gấp bao lì xì, thiết kế lịch Tết, tham gia bữa tiệc Buffet, bữa cơm gia đình ngày Tết… hay các hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc như tặng quà Tết cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Trẻ em Trường Mầm non thị trấn Phố Châu (huyện Hương Sơn) trang trí
không gian ngoài lớp học Chủ đề “Tết và mùa Xuân” (Ảnh TL)
Thông qua các hoạt động, trẻ hiểu biết về nguồn gốc, ý nghĩa, một số phong tục ngày Tết cổ truyền của dân tộc; hiểu được ý nghĩa của sự đoàn tụ, gắn bó gia đình, cộng đồng; thể hiện lòng biết ơn, tinh thần nhân ái, sự sẻ chia, biết nuôi dưỡng ước mơ đẹp đẽ. Các hoạt động tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm về chủ đề “Tết và mùa Xuân” không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giao lưu của trẻ mà còn giúp trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, góp phần giúp trẻ phát triển một cách toàn diện trên 5 lĩnh vực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội.
Trang trí không gian Tết và mùa Xuân trong và ngoài lớp học
Để tạo ra một môi trường học tập với chủ đề “Tết và mùa Xuân” mang đậm nét văn hóa Việt Nam, các trường đã thiết kế, xây dựng môi trường giáo dục gắn liền với phong tục, tập quán của người Việt. Khu vực sân khấu dành cho các hoạt động hội, lễ là điểm nhấn không gian ngoài trời của trường mầm non với các thông điệp của “Trường học hạnh phúc” và chủ đề Tết và mùa Xuân. Không gian trong và ngoài lớp học với nhiều gam màu rực rỡ, tươi tắn mang đặc trưng của Tết Việt: câu đối đỏ; sắc hồng của hoa đào cây đào, sắc vàng của hoa mai; bao lì xì, mâm ngũ quả với các loại trái cây quen thuộc (chuối, bưởi, quýt, đu đủ, xoài); bánh chưng, bánh tét (thật hoặc mô phỏng). Môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học có nhiều góc hoạt động cho trẻ mang hơi thở Tết Việt như: Góc nghệ thuật (với các vật liệu sẵn có để trẻ làm hoa mai, hoa đào, phong bao lì xì, hoặc cắt dán bánh chưng, bánh tét; dụng cụ và nguyên vật liệu để trẻ sang tạo các bức tranh Tết); Góc chợ quê với các nông sản và vật dụng đặc trưng ngày Tết và địa phương; Khu vực trò chơi dân gian tái hiện không gian Tết Việt qua các trò chơi truyền thống…
Trường Mầm non Hoa Hồng (Can Lộc) đã tổ chức thành công chuỗi hoạt động trải nghiệm “Bé vui đón Tết”...... (Ảnh TL)
Tổ chức “hoạt động học” về chủ đề “Tết và mùa Xuân”
Trong Chương trình giáo dục mầm non theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT ban hành Chương trình Giáo dục mầm non), hoạt động học được tổ chức có chủ định theo kế hoạch dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên có thời lượng từ 30 đến 40 phút/ngày; hoạt động học đối với trẻ mẫu giáo được tổ chức chủ yếu dưới hình thức chơi.
Hoạt động học về chủ đề “Tết và mùa Xuân” có thể thực hiện trong tất cả các lĩnh vực: giáo dục phát triển thể chất, phát triển nhận thức, phát triển ngôn ngữ, phát triển tình cảm và kĩ năng xã hội, phát triển thẩm mĩ, chủ yếu qua hình thức chơi.
Đối với Lĩnh vực phát triển nhận thức - hoạt động khám phá xã hội, trẻ được tìm hiểu về ý nghĩa của Tết Nguyên Đán (thời điểm đoàn tụ gia đình, chào đón năm mới); các biểu tượng ngày Tết (Cây mai, cây đào, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, câu đối đỏ,..); hoạt động chuẩn bị Tết (Gói bánh chưng, làm dưa hành, mua sắm Tết, dọn dẹp nhà cửa,...); Phong tục, tập quán ngày Tết (Phong tục lì xì, chúc Tết, thăm ông bà, họ hàng; Trò chơi dân gian ngày Tết; Lễ hội truyền thống,...). Hoạt động khám phá khoa học, trẻ được tìm hiểu về mùa Xuân (quan sát sự thay đổi của thiên nhiên: cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở, thời tiết ấm áp; Các loài hoa đặc trưng: hoa mai, hoa đào; các loài động vật: chim én báo hiệu mùa xuân; ong tìm hoa hút mật..).
Lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, trẻ được tìm hiểu các câu chuyện, bài thơ về Tết và mùa Xuân như: “Sự tích bánh chưng, bánh dày”; “Mùa xuân”, “Tết đang vào nhà, “Hoa cúc vàng”, “Cây đào”…
Lĩnh vực giáo dục phát triển thẩm mĩ - hoạt động giáo dục Âm nhạc, Tạo hình: trẻ được làm quen với các bài hát về chủ đề Tết và mùa Xuân; vẽ và tô màu các bức tranh, làm đồ thủ công theo chủ đề.
Các hoạt động Giáo dục dinh dưỡng và sức khỏe (Lĩnh vực giáo dục phát triển thể chất) giúp trẻ nhận biết được một số món ăn, thực phẩm thường sử dụng trong dịp Tết và ích lợi của chúng đối với sức khỏe; trẻ được phát triển vận động với các trò chơi dân gian, các bài hát về chủ đề Tết và mùa Xuân…
Hoạt động trải nghiệm “Hội chợ Xuân”
"Hội chợ Xuân" trong các nhà trường là một hoạt động trải nghiệm thú vị, giúp trẻ mầm non khám phá không khí Tết cổ truyền, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hợp tác và một số kĩ năng khác. Chợ Xuân thường được bố trí thành các “gian hàng” trong hoặc ngoài lớp phù hợp với văn hóa Tết Việt Nam, như: gian hàng ẩm thực với bánh chưng, bánh tét, kẹo, mứt Tết và một số món ăn khác… (phiên bản nhỏ và đơn giản); các gian hàng thủ công với các hoạt động phù hợp với trẻ như làm phong bao lì xì, cắt dán hoa mai, hoa đào…; Gian hàng bán đồ chơi ngày Tết (Trống lắc, tò he, cờ Tết, hoặc đồ chơi tự làm; cùng với đó là các trò chơi dân gian như : Ô ăn quan, bịt mắt đập niêu, ném vòng, kéo co, cờ gánh…)
Tham gia Hội chợ Xuân trẻ có thể đóng vai người mua, người bán, trực tiếp làm ra một số sản phẩm; tặng nhau những phong bao lì xì do chính mình làm; hòa mình vào các trò chơi dân gian vui nhộn; biểu diễn văn nghệ, trình diễn thời trang và đặc biệt là tham gia tặng quà để bạn có hoàn cảnh khó khăn đón Tết …
Hội chợ Xuân không chỉ mang đến niềm vui, giáo dục cho trẻ về những nét đẹp của văn hóa truyền thống mà còn góp phần hình thành các kĩ năng (giao tiếp, hợp tác, kĩ năng tự phục vụ…), xây dựng, bồi đắp tình cảm gia đình, cộng đồng, lòng nhân ái, sẻ chia cho trẻ mầm non.
...và hoạt động “Gói bánh chưng xanh - Ấm tình ngày Tết” ở Trường Mầm non Hoa Hồng (Ảnh TL)
Hoạt động “Gói bánh chưng xanh - Ấm tình ngày Tết”
Gói bánh chưng là một hoạt động trải nghiệm thú vị và ý nghĩa, giúp trẻ hiểu hơn về ý nghĩa của bánh chưng trong ngày Tết Việt Nam - biểu tượng của sự đoàn tụ và lòng biết ơn. Đây cũng là cơ hội để giáo dục trẻ về tình cảm gia đình và sự sẻ chia trong dịp Tết. Trong hoạt động này, trẻ tự tay thực hiện gói bánh; giáo viên hướng dẫn trẻ cách thức tham gia các hoạt động, quan sát và hỗ trợ khi trẻ gặp khó khăn; khuyến khích sự sáng tạo và sự khéo léo của trẻ. Các nhà trường có thể tái hiện nấu bánh chưng hoặc có thể tổ chức "nồi bánh chưng giả" với lửa mô phỏng, trẻ xếp bánh và tham gia "trông bánh"; kể cho trẻ nghe những câu chuyện thú vị xung quanh nồi bánh chưng Tết.
Tổ chức “Bữa cơm gia đình” - Tết đoàn viên
Tổ chức một “bữa cơm gia đình” mô phỏng Tết sum vầy là hoạt động ý nghĩa, giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của sự đoàn tụ, yêu thương và chia sẻ trong dịp Tết. Trẻ được tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm Tết, làm quen với các món ăn truyền thống. Khác với “bữa ăn gia đình” hằng ngày ở trường, bữa ăn này có thực đơn đặc biệt hơn với các món ăn truyền thống ngày Tết nhưng đơn giản và phù hợp với trẻ nhỏ như: Bánh chưng/bánh tét nhỏ; chả giò/giò lụa; thịt gà, nem rán; xôi… Trong quá trình tổ chức, cần sắp xếp cho trẻ ngồi vào bàn theo nhóm nhỏ (giả định vai trò ông bà, cha mẹ, anh chị em). Giáo viên hướng dẫn trẻ cách mời và ăn uống đúng cách. Trước khi ăn, giáo viên hoặc phụ huynh trò chuyện cùng trẻ về công việc chuẩn bị như việc đi chợ Tết, nguyên vật liệu và cách chế biến một số món ăn trong bữa ăn gia đình ngày Tết. Kết thúc hoạt động, hướng dẫn trẻ tham gia vào việc thu dọn bàn ăn, giữ gìn vệ sinh.
Để thực hiện hiệu quả chủ đề nhánh “Tết và mùa Xuân” trong Chương trình giáo dục mầm non, bên cạnh vai trò của nhà trường, giáo viên, công tác phối hợp của phụ huynh cũng hết sức quan trọng. Phụ huynh cần nhận thức rõ trách nhiệm phối hợp với nhà trường, giáo viên trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, trong đó có việc tổ chức các hoạt động hội, lễ; cùng tham gia xây dựng môi trường giáo dục, tạo điều kiện và cùng trẻ tham gia các hoạt động hội, lễ. Trong quá trình tổ chức các hoạt động chủ đề Tết và mùa Xuân, trẻ cần được chủ động lựa chọn và đề xuất các hoạt động, bày tỏ ý kiến của mình; trực tiếp trải nghiệm, thực hành các vai trò khác nhau.
Thực hiện chủ đề “Tết và mùa Xuân” trong Chương trình giáo dục mầm non không chỉ giúp trẻ nhận thức sâu sắc hơn về ngày Tết cổ truyền, các phong tục và giá trị văn hóa truyền thống, góp phần hình thành và phát triển các kỹ năng mà còn bồi đắp trong trẻ tình yêu quê hương, niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, hoạt động này còn tạo nên sự gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục thế hệ tương lai./.
.Diệu Thúy, Anh Thơ