Saturday, 25/01/2025 - 21:53|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HÀ TĨNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THẦY ĐÃ NHƯỜNG SỰ SỐNG CHO CHÚNG EM…

 

Nhà giáo - Liệt sỹ Đặng Duy Giáp

Một buổi chiều cuối năm học 1967 - 1968, bà Phan Thị Mơ (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân) nhận tin “sét đánh”. Nỗi đau xé lòng, bà ngã khuỵu xuống, bà con làng xóm đến rất đông, ai cũng thảng thốt, bàng hoàng, xót xa. Đứa con duy nhất của bà - Nhà giáo Đặng Duy Giáp vừa hy sinh do bom Mỹ giết hại khi đang dẫn học sinh vào hầm trú ẩn và lấy thân mình che chắn cho các em.

Ngày ấy, vào khoảng 15 giờ mồng 9 tháng 5 năm 1968, trong giờ học của Trường cấp 1 Xuân Hải (xã Xuân Hải, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) vừa bắt đầu thì tiếng kẻng báo động vang lên liên hồi. Nhìn về phía biển, từng tốp, từng tốp máy bay phản lực F4 Thần sấm của giặc Mỹ đang lao vào đất liền rồi quần thảo cùng với những tiếng gầm rú xé trời. Lũ học sinh chúng tôi chạy ùa ra khỏi lớp, nhốn nháo, hoảng loạn. Lớp 4 của tôi lúc bấy giờ có 21 bạn do Thầy Đặng Duy Giáp chủ nhiệm. Hôm đó, giờ học môn toán vừa bắt đầu, chỉ trong ít phút xuất hiện máy bay Mỹ lượn vòng rồi chúng ném bom ào ạt cùng tiếng đạn rocket vun vút, tiếng bom nổ đanh tai nhức óc; tiếng hô “xuống hầm, xuống hầm” vang lên, bom đã rơi khu vực trường học. Nhiều học sinh sợ quá khóc thét lên. Cùng với các giáo viên khác, thầy Đặng Duy Giáp đã nhanh chóng đưa học sinh vào hầm trú ẩn. Trong lúc di chuyển, một số em bị ngã, sợ không kịp, thầy khom người bế xốc từng bạn chạy nhanh về phía cửa hầm, cứ như vậy cho đến khi vừa đẩy được học sinh cuối cùng vào trong hầm, thầy khom người trước cửa hầm và thét lên: “các em hãy bình tĩnh, bình tĩnh, có thầy đây rồi…”, một loạt tiếng nổ chát chúa lại vang lên, bụi đất mù mịt, cành cây gãy rào rào, lán học bốc cháy, cảnh tượng tan hoang kinh hoàng…

Sau khi ném bom, bị pháo cao xạ của bộ đội ta bắn trả, máy bay Mỹ hoảng sợ, có chiếc bị trúng đạn, khói phụt ra phía đuôi vẫn cố lao ra biển thoát thân. Tiếng kẻng báo động tiếp tục vang lên, dân quân du kích và nhân dân địa phương chạy tới cứu trường, cứu học sinh.

Tôi còn nhớ, khi các cô chú dân quân và người dân đến hầm trú ẩn của lớp tôi thì thầy giáo Đặng Duy Giáp ngã xuống ở cửa hầm, vẫn còn nguyên hình ảnh thầy đang ôm đứa học trò nhỏ nhất vào lòng, đứa học trò ấy chính là tôi; những bạn khác nép mình bên cạnh, mặt mày xanh xám lấm lem cát bụi, khói bom, khói đạn.

Thầy Đặng Duy Giáp bị mảnh đạn Rocket chặt đứt cánh tay, và bị sức ép nên ngất đi. Học sinh chúng tôi được đưa khỏi hầm an toàn, còn Thầy thì thân thể bê bết máu. Trong phút giây ấy bất chợt tôi cảm thấy hơi ấm từ vòng tay của Thầy vẫn còn ôm quanh thân tôi. Lúc ấy, nếu không có Thầy thì chúng tôi không kịp chạy vào hầm, chắc chắn đã bị mảnh bom hoặc đạn rocket sẽ găm vào người…đầu óc tôi quay cuồng, tim đập thình thịch. Thương Thầy quá, lũ học trò chúng tôi gào khóc: Thầy ơi, Thầy ơi !…

Sau này tôi nghe cha mẹ kể lại, Thầy được đưa về trạm y tế để cứu thương và gọi xe cấp cứu của bệnh viện tỉnh đến truyền máu. Nhưng xe cứu thương của bệnh viện tỉnh lại đang cấp cứu ở Hương Sơn, sau đó trên đường trở xuống thì lại bị trúng bom tại phà Linh Cảm (huyện Đức Thọ). Vết thương thầy Đặng Duy Giáp quá nặng, mất máu nhiều, … thầy đã hy sinh!

Những ngày sau đó mái trường và lớp học của chúng tôi được sửa chữa lại, chúng tôi trở lại trường học. Cũng như bao lần trước đến trường nhưng sao lần này buồn thảm và trống trải đến vô cùng, không còn thấy hình bóng người Thầy giao chủ nhiệm, không còn nghe giọng nói ấm áp của Thầy nữa…

Lũ chúng tôi, những học trò như gà mất mẹ, ngơ ngác, nước mắt lúc nào cũng chực trào ra. Tôi còn nhớ rõ thầy hiệu trưởng đã nói với toàn thể học sinh trong giờ tập trung đầu tuần: “Các em ạ! Thầy Đặng Duy Giáp hy sinh vì đã lấy thân mình che chắn bom đạn cho các em, nhường sự sống cho các em. Từ nay mái trường chúng ta mất đi một người Thầy giáo mẫu mực; các em thiếu sự chăm lo dạy dỗ của một người Thầy rất đỗi tận tụy, yêu thương; mẹ Thầy mất đi người con trai duy nhất; vợ, con Thầy mất đi một người chồng, người cha…Thầy mong các em hãy học tập, rèn luyện thật tốt để mai sau góp phần mình bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của Thầy Đặng Duy Giáp cũng như bao liệt sỹ khác…” Những lời nói ấy cứ theo tôi suốt mãi về sau và cho đến tận bây giờ.

Thầy giáo Đặng Duy Giáp ra đi khi mới ngoài 30 tuổi, để lại nỗi đau khôn cùng với người mẹ của thầy - bà Phan Thị Mơ, và một cuộc sống chông chênh đối với người vợ trẻ cùng 2 đứa con thơ dại. Mất đi người con duy nhất, bà Mơ héo hon, tiều tụy, khóc thương con trai đến cùng kiệt sức lực, mờ cả mắt, lưng bà ngày một còng hơn. Chồng mất sớm, con trai hy sinh, bà Mơ tưởng như cuộc sống tột cùng đau khổ. Chiến tranh ngày một tàn khốc, nhìn hai đứa cháu côi cút, lòng bà Mơ như thắt lại. Đất nước vẫn còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Không thể để nỗi đau riêng của mình làm ảnh hưởng tới việc công, bà Mơ đã gượng dậy, nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục động viên và hỗ trợ người con dâu Nguyễn Thị Thái (vợ liệt sỹ Đặng Duy Giáp) mới 25 tuổi làm tròn trách nhiệm của người giáo viên thay chồng. Và cô giáo Nguyễn Thị Thái lại vượt qua sự ác liệt của bom đạn, vượt qua khó khăn gian khổ của cuộc sống thường nhật, cùng đồng nghiệp phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của người giáo viên. Trong một lần đến trường dạy học, cô Thái đã bị thương do máy bay Mỹ ném bom. Sau này cô được công nhận thương binh.

Với bà Phan Thị Mơ, trước mặt con dâu, bà tỏ ra mạnh mẽ để động viên con cố gắng vượt qua nỗi đau nhưng khi đêm về, bà lại trằn trọc, khóc thầm một mình…

Sự hy sinh dũng cảm của thầy Đặng Duy Giáp đã được viết thành câu chuyện cảm động trong cuốn sách “Gương hy sinh anh dũng của giáo viên Hà Tĩnh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”. Qua cuốn sách, tôi cũng được biết thêm bà Phan Thị Mơ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sau này các trường học như Trường THCS Nguyễn Trãi, Trường THCS Tiên Yên, Trường Tiểu học và Trường Mầm Non thị trấn Tiên Điền - quê hương của Thầy cùng các trường học thuộc xã Xuân Hải (huyện Nghi Xuân) thông qua câu chuyện về tấm gương hy sinh của Thầy để giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ nối tiếp. Tấm gương dũng liệt của Thầy đã được đưa vào các buổi học ngoại khóa, các cuộc thi rung chuông vàng, thi tìm hiểu truyền thống quê hương... hàng năm, các trường học trên địa bàn cũng tổ chức cho cán bộ, giáo viên và học sinh tới thăm, tặng quà nhân dịp ngày truyền thống 20/11, 27/7, 22/12 để tri ân các gia đình các liệt sỹ, đặc biệt là các nhà giáo liệt sỹ, trong đó có nhà giáo liệt sỹ Đặng Duy Giáp.

Nằm yên bình bên tỉnh lộ 22/12 là nghĩa trang liệt sỹ huyện Nghi Xuân với tượng đài “Tổ quốc ghi công” cao sừng sững là nơi yên nghỉ của rất nhiêù những người con quê hương đã đổ máu hy sinh cho nền hòa bình của đất nước, trong đó có liệt sĩ nhà giáo Đặng Duy Giáp. Hơn nửa thế kỷ đi qua, câu chuyện người thầy giáo trẻ lấy thân mình che chắn cho học sinh dưới làn mưa bom bão đạn của giặc Mỹ trong giờ học ngày 9/5/1968 vẫn còn nguyên trong lòng người dân quê hương Nghi Xuân .

Hằng năm, vào dịp tựu trường, học sinh các trường học trên địa bàn xã Xuân Hải lại háo hức bước vào năm học mới, trong sâu thẳm trái tim bao thế hệ thầy trò, có hình bóng một thầy giáo đặc biệt sống mãi với tuổi thanh xuân mà các em đều ghi nhớ và kính trọng, đó là thầy giáo, liệt sĩ Đặng Duy Giáp. Có lẽ, Trường Tiểu học Xuân Hải là ngôi trường đặc biệt vì có một thầy giáo đã ngã xuống khi lấy thân mình che chắn bom đạn của kẻ thù cho các học trò của mình bình an. Tuổi đời, tuổi nghề của Thầy lúc hy sinh còn rất trẻ. Giờ đây đất nước quê hương và mái trường xưa thầy đứng lớp đã đổi thay nhiều, tuy vậy hình bóng thầy vẫn được nhà trường, các thế hệ thầy cô giáo và các em học sinh trân trọng nhắc đến như một giáo viên đang trực tiếp giảng dạy. Tấm lòng tận tụy sẵn sàng cống hiến và tâm huyết “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã được Thầy hiện thực như một nghĩa vụ thiêng liêng và cao cả! Thầy đã viết nên câu chuyện đẹp trong hàng triệu tấm gương hy sinh thầm lặng, hết mình vì học sinh thân yêu của các thầy cô giáo đang từng ngày từng giờ dốc hết tâm sức vì sự nghiệp giáo dục và sự tiến bộ của các em học sinh. Chúng ta tự hào vì có một người thầy như thế.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những hậu quả và dư âm của nó để lại vẫn rất lớn lao, khốc liệt, ghi dấu mãi mãi trong tâm trí các thế hệ người Việt Nam. Giờ đây, nhà giáo liệt sỹ Đặng Duy Giáp, nhà giáo thương binh Nguyễn Thị Thái, Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Mơ và ông Đặng Duy Thắng (bố của liệt sỹ) không còn nữa, nhưng hình ảnh và hương hồn của họ đã được con trai, cháu trai là nhà giáo Đặng Duy Thương và con dâu, cháu dâu là nhà giáo Vũ Thị Thanh Hải phụng thờ tại ban thờ tư gia ở Tổ Dân phố Giang Đình, thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.

Là một trong những học sinh đã sống trong thời kỳ đất nước chiến tranh, lại trực tiếp chứng kiến người Thầy của mình ngã xuống để dành lại sự sống cho học trò, vượt lên giá trị chân thật của câu chuyện THẦY ĐÃ NHƯỜNG SỰ SỐNG CHO CHÚNG EM…còn là lời tri ân, là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Xin được ghi lòng tac dạ, tri ân tới các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, trong đó có nhà giáo liệt sỹ Đặng Duy Giáp - người thầy giáo muôn vàn kính yêu của tôi ./.

Nghi Xuân, tháng 7/2024

(Câu chuyện do nhà giáo Vũ Thị Thanh Hải (con dâu của liệt sỹ) ghi lại theo lời kể của ông Trần Đức Thiện - người học trò đã được Thầy Đặng Duy Giáp che chắn trong trận bom năm xưa).


Lượt xem: 680
Tác giả: quản trị sở
Tổng số điểm của bài viết là: 39 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết