Monday, 02/12/2024 - 15:28|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HÀ TĨNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“SỰ CHỐNG ĐỐI” CỦA HỌC SINH DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC CON NGƯỜI

Kính gửi các bậc ông bà, cha mẹ và thầy cô!

Cha mẹ hy vọng con cái mình trở thành "con ngoan", thầy cô hy vọng học sinh của mình đều là "trò giỏi". Thế nhưng có những đứa trẻ không nghe lời, luôn làm trái lời ông bà, cha mẹ, thầy cô. Điều gì khiến một học sinh có những hành vi như vậy?

Nguyên nhân là do tâm lý chống đối ở trẻ. Tâm lý chống đối là phản ứng ngược hướng trong thái độ đối với sự chỉ dẫn từ thế giới bên ngoài của cá thể.

Chứng rối loạn thách thức, chống đối ở trẻ vị thành niên - Báo VnExpress  Sức khỏe

Các kiểu chống đối thường gặp ở học sinh:

1. Chống đối do vượt giới hạn (mong cầu, kỳ vọng quá cao)

Khi con người rơi vào sự quá độ (vượt quá giới hạn), thì thứ phù hợp nhất cũng sẽ biến thành thứ ít phù hợp hoặc không phù hợp. Ví dụ: Lúc đầu một học sinh lớp 10 có hứng thú với môn toán, cha mẹ cậu bé muốn bồi dưỡng cậu trở thành một nhà toán học nên hằng ngày sau khi hoàn thành bài tập ở trường, cha mẹ cậu bé sẽ giao thêm 20 bài toán khác nữa để cậu rèn luyện. Lúc đầu cậu rất hứng thú, sau đó hứng thú giảm dần, cho đến khi không thấy hứng thú nữa, cuối cùng thì chỉ nhìn thấy đề toán là cậu đau đầu. Từ yêu thích môn toán trở nên chán ghét môn toán.

2. Chống đối do bối cảnh

Việc lựa chọn thời điểm không thích hợp cũng khiến học sinh có sự chống đối. Ví dụ: Khi học sinh đang chăm chú vẽ tranh, nghe nhạc, xem bóng đá hay xem một bộ phim mà cha mẹ ngồi cạnh yêu cầu con dừng lại để giải thích, giảng giải, dạy dỗ về vấn đề xảy ra trước đó, thì khả năng cao con sẽ lơ đãng, không tập trung. Hay khi con đang trong trạng thái có cảm xúc, xúc động mà cha mẹ rao giảng cho con những bài học, phớt lờ cảm xúc của con thì khả năng tiếp thu lúc bấy giờ gần như là con số 0, thậm chí hành vi chống đối còn mãnh liệt hơn ...

3. Chống đối do độ tin cậy

Có một học sinh nọ có thói quen rất xấu ở trường, thường xuyên văng tục chửi bậy. Thầy giáo gọi phụ huynh đến và yêu cầu cha mẹ phối hợp với nhà trường để giáo dục con, thế là cha cậu gọi con trai ra, khuyên răn "Văng tục chửi bậy như ranh, sao mày không thể sửa cái thói đó đi hả? Khốn kiếp, mày nói xem: những câu bậy bạ đấy mày học ở đâu hả thằng mất dạy kia ...? Cậu con trai bật lại: Con học của bố chứ của ai, người cha lập tức ... không nói được gì nữa.

Nếu chính cha mẹ khi có cảm xúc mà không biết cách điều tiết như những gì mình nói, thì trẻ sẽ nghi ngờ độ tin cậy của thông tin hướng dẫn, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả, thậm chí dẫn tới hành vi, lời nói chống đối.

4. Chống đối do bị áp đặt, mất tự chủ

Mỗi người chúng ta đều muốn có quyền tự chủ, được tự do quyết định, lựa chọn. Hơn nữa, từ 3 tuổi trẻ đã bắt đầu hình thành cái tôi, nếu cha mẹ quan sát ở thời điểm này con đã muốn có quyền tự quyết, tự lựa chọn (khi cha mẹ có yêu cầu gì đó con rất hay nói từ "không" là vì thế). Vì vậy khi sự tự do, quyền tự chủ có nguy cơ bị tước đoạt con sẽ từ chối làm một việc vốn đã đồng ý làm, thậm chí cố tình làm ngược lại.

5. Chống đối do bị kiểm soát, cấm đoán

Con người thường có sự hiếu kỳ, hứng thú đặc biệt với những thứ bị cấm đoán (muốn xem thử, nghe thử, làm thử). Hơn nữa ở trẻ em ham muốn tìm tòi khám phá cực kì lớn nên khi bị kiểm soát, cấm đoán các con lại càng tò mò hơn, muốn trải nghiệm hơn.

Thái độ chống đối của trẻ - Nhìn nhận đúng đắn để xử lý

 Cha mẹ đang vướng mắc điều gì?

Mong cầu, kỳ vọng quá cao: Mức kỳ vọng của cha mẹ tăng lên theo thời gian (con đạt điểm cao, đạt thành tích cao trong các kỳ thi, trình độ tiếng Anh vượt trội bạn khác, con biết chơi đàn, biết vẽ, giỏi võ, ...) Vấn đề là thường những kỳ vọng này không phù hợp với trình độ thực tế của con, không phù hợp với sở thích, hứng thú của con. Nên con luôn trong trạng thái áp lực và khi con nhận ra dù mình có cố gắng đến mấy cũng không thể đạt được yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ, con sẽ chán chường buông xuôi, phó mặc, để chống lại kỳ vọng ngày càng nâng cao của cha mẹ.

Áp đặt, kiểm soát, cấm đoán quá nhiều: Khi con bị áp đặt, kiểm soát, cấm đoán và phải phục tùng, sống trong cái khung do cha mẹ hoạch định, không gian hoạt động tự do vô cùng nhỏ hẹp, quyền tự chủ bị hạn chế thậm chí tước đoạt. Đứa trẻ như vậy giống như con chim bị nhốt trong lồng, khao khát được tự do bay lượn. Nên khi bị hạn chế quá nhiều con sẽ cố tình chống đối, phạm lỗi, phạm luật để lấy lại tự do.

Khi làm cha mẹ tỉnh thức, có thể ta chợt nhận ra điều gì đó chưa phù hợp và sửa nó để cuộc sống trở nên tốt đẹp, thuận theo tự nhiên.

Mến chúc các bậc ông bà, cha mẹ và thầy cô sức khỏe, hạnh phúc, bình an!

 

Hà Sen chia sẻ từ Nguồn: Seroto Foundation

 

 

 


Tác giả: Trường THPT Hồng Lĩnh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết