PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS BẮT ĐẦU TỪ HIỂU BIẾT
Các em học sinh thân yêu!
Thương mời các em cùng tổ Tư vấn tâm lý, công tác xã hội Trường THPT Hồng Lĩnh tìm hiểu xem, hiện nay dịch bệnh HIV/AIDS đang diễn biến như thế nào và làm thé nào để phòng, chống HIV/AIDS nhé!
1. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 có chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”
* “Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS” không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà có nghĩa là khi AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi đạt được các tiêu chí sau:
- Số người nhiễm HIV phát hiện dưới 1.000 ca mỗi năm. (tương đương dưới 01 người nhiễm mới HIV/100.000 dân).
- Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến AIDS <1/100.000 dân.
- Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con <2%.
* “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS”
Trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng.
Chính vì vậy, Việt Nam chọn chủ đề "Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS" thể hiện cam kết giải quyết những bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, là bước đi cần thiết để đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho mọi người dân, đặc biệt là các nhóm nguy cơ cao, giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chủ đề này cũng phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ y tế một cách bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
2. Những rào cản nào trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS
- Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp can thiệp giảm tác hại tuy nhiên dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng chemsex, quan hệ tình dục tập thể…
- Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và sự hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư còn thấp, đã và đang là rào cản trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của cả người nhiễm HIV và các nhóm đích nguy cơ cao.
- Các rào cản về tài chính và địa lý cũng làm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của những nhóm đích nguy cơ cao. Nhiều người trong các nhóm nguy cơ cao thường có thu nhập thấp và không có khả năng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Nguồn tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS vẫn còn phụ thuộc tới gần 50% vào các dự án quốc tế đặc biệt đối với các chương trình dự phòng mang tính then chốt (điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP đang dựa hoàn toàn vào các dự án viện trợ).
3. Một số kiến thức phòng ngừa HIV/AIDS
- Hiểu về HIV/AIDS
HIV (Human Immunodeficiency Virus) là virus gây suy giảm miễn dịch ở người, làm yếu khả năng chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.
AIDS (Acquired Immunodeficiency Syndrome) là giai đoạn cuối của nhiễm HIV, khi hệ miễn dịch bị tổn thương nghiêm trọng.
- Con đường lây truyền HIV
Qua quan hệ tình dục không an toàn: Không sử dụng bao cao su khi quan hệ với người nhiễm hoặc không biết rõ tình trạng sức khỏe.
Qua máu: Dùng chung kim tiêm, truyền máu không an toàn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với máu người nhiễm.
Từ mẹ sang con: Trong thời kỳ mang thai, khi sinh hoặc qua sữa mẹ.
- Biện pháp phòng ngừa HIV/AIDS
+ Quan hệ tình dục an toàn
Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Chung thủy một vợ, một chồng hoặc chỉ có một bạn tình không nhiễm HIV.
Hạn chế số lượng bạn tình.
+ Phòng tránh lây nhiễm qua đường máu
Không dùng chung kim tiêm, vật dụng có thể gây chảy máu như dao cạo, kềm cắt móng.
Đảm bảo máu và các chế phẩm từ máu được kiểm tra HIV trước khi truyền.
Sử dụng dụng cụ y tế vô trùng.
+ Phòng lây từ mẹ sang con
Phụ nữ mang thai cần kiểm tra HIV sớm.
Nếu nhiễm HIV, tuân thủ điều trị bằng thuốc ARV để giảm nguy cơ lây truyền cho con.
+ Dự phòng trước và sau phơi nhiễm (PrEP và PEP)
PrEP: Sử dụng thuốc kháng virus trước khi phơi nhiễm để giảm nguy cơ lây nhiễm HIV (áp dụng cho người có nguy cơ cao).
PEP: Dùng thuốc ARV trong vòng 72 giờ sau khi phơi nhiễm để ngăn ngừa nhiễm HIV.
+ Tuyên truyền và nâng cao nhận thức
Tham gia các chương trình giáo dục, chiến dịch tuyên truyền về HIV/AIDS.
Xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
- Lợi ích của điều trị ARV
Thuốc ARV giúp kiểm soát lượng virus HIV trong cơ thể, kéo dài tuổi thọ và cải thiện chất lượng sống cho người nhiễm.
Giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Các em thân mến!
HIV/AIDS vẫn là mối hiểm họa lớn, cướp đi biết bao sinh mạng, gây tổn thất nặng nề và gieo rắc nỗi đau cho nhân loại. Căn bệnh này không loại trừ bất kỳ ai, đặc biệt là những người trẻ tuổi – lực lượng đang ở giai đoạn học tập, lao động, và cống hiến. Phần lớn những trường hợp mắc HIV là do thiếu hiểu biết và chưa thực sự quan tâm đến việc phòng ngừa.
Tổ TVTL, CTXH hy vọng rằng qua nội dung hôm nay, các em sẽ ý thức được rằng việc phòng ngừa HIV/AIDS không chỉ là trách nhiệm cá nhân mà còn là hành động thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, xây dựng một xã hội văn minh, và giữ gìn tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam./.
Hà Sen
.