Monday, 02/12/2024 - 13:56|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HÀ TĨNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

QUY TRÌNH RÈN LUYỆN CHO HỌC SINH KĨ NĂNG VẬN DỤNG KIẾN THỨC VÀO THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC SINH HỌC CẤP THPT

Tóm tắt. Vận dụng kiến thức vào thực tiễn là mục tiêu hướng tới của quá trình dạy học. Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, có nhiều nội dung gắn liền với thực tiễn đời sống, liên quan đến sức khỏe, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học. Để phát triển kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh, cách tốt nhất là dạy học gắn với thực tiễn, dạy học qua thực tiễn và dạy học bằng thực tiễn. Trong bài báo này, trên cơ sở định nghĩa kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chúng tôi xây dựng quy trình rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh trong dạy học với một ví dụ vận dụng quy trình trong dạy học Sinh học cấp trung học phổ thông.

1. Mở đầu

A.X. Makarenkô (1976), một nhà giáo dục Xô Viết lỗi lạc đã nói “khoa học sư phạm và đặc biệt là lí thuyết về giáo dục trước hết là một khoa học có mục đích thực tiễn” [4]. Makarenkô coi trọng giáo dục tập thể, chú trọng “giáo dục lao động”, gắn việc học với lao động sản xuất. Tác giả Geoffrey Petty (1998) cho rằng: “học qua thực hành tốt hơn qua quan sát hoặc nghe bởi lẽ thực hành giúp người học có điều kiện để củng cố và hiệu chỉnh những kiến thức và kĩ năng đang học”.

Vận dụng kiến thức vào thực tiễn là mục tiêu hướng tới của quá trình dạy học. Vai trò của       vận dụng kiến thức vào thực tiễn không chỉ thể hiện ở chỗ HS có kĩ năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung bài học mà còn giải quyết các vấn đề thực tiễn đa dạng trong cuộc sống. Phát triển kĩ năng (KN) vận dụng kiến thức (VDKT) vào thực tiễn cho học sinh (HS) sẽ làm thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của HS theo hướng “học đi đôi với hành”, lí thuyết gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với gia đình và xã hội. Do đó, trong quá trình dạy học hướng tới giúp HS có KN VDKT vào thực tiễn rất quan trọng, cần thiết. Cách dạy tốt nhất là dạy học gắn với thực tiễn, dạy học qua thực tiễn và dạy học bằng thực tiễn.

     Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, có nhiều nội dung kiến thức gắn liền với thực tiễn đời sống, liên quan đến sức khỏe, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, chăn nuôi, trồng trọt,… Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy ở các trường phổ thông hiện nay, hầu hết các giáo viên (GV) đang chú trọng nhiều đến việc cung cấp kiến thức lí thuyết cho học sinh, rèn luyện kĩ năng làm các bài thi, bài kiểm tra bằng các câu hỏi lí thuyết, việc rèn luyện KN VDKT sinh học vào thực tiễn đời sống còn chưa được chú trọng. Do vậy, cần phải có các nghiên cứu hướng tới dạy học phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho HS trong dạy học nói chung và dạy học Sinh học nói riêng.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Thực tiễn và vấn đề thực tiễn

Chủ nghĩa Mác coi lý luận và thực tiễn là liên hệ với nhau không thể tách rời và tác động lẫn nhau, trong sự liên hệ đó, thực tiễn có tác động quyết định. Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động của con người để tạo ra những điều kiện cần thiết cho xã hội. Đối với chủ nghĩa Mác, thực tiễn trước hết là hoạt động vật chất, là sản xuất, vì đời sống của xã hội, sự sống còn của con người do sản xuất quyết định [1].

Theo từ điển Tiếng Việt, thực tiễn là những hoạt động của con người, trước hết là lao động sản xuất, nhằm tạo ra những điều kiện cần thiết cho sự tồn tại của xã hội [5].

Theo Nguyễn Thị Hằng (2015): “Vấn đề là một hiện tượng của tự nhiên hoặc là một sự kiện/tình huống đã, đang hoặc có thể sẽ diễn ra trong thực tế và chứa đựng những điều cần được lý giải.    Vấn đề là tình huống nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ thể có nhu cầu giải quyết tình huống đó với những tri thức, kỹ năng và phương pháp hiện có của chủ thể chưa đủ để giải quyết [2].

Dựa vào các định nghĩa trên, chúng tôi cho rằng: “Vấn đề thực tiễn dạy học là một hiện tượng của tự nhiên hay xã hội diễn ra trong thực tiễn cuộc sống và chứa đựng những điều cần được tổ chức cho học sinh giải thích, chứng minh, giải quyết”.

Trong quá trình dạy học, vấn đề thực tiễn có thể được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: tình huống thực tiễn, bài tập thực tiễn, dự án học tập giải quyết các vấn đề thực tiễn, hoạt động trải nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học,…

2.2.  Kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn

Theo từ điển Tiếng Việt, vận dụng là đem tri thức, lý luận dùng vào thực tiễn (vận dụng lý luận, vận dụng khoa học,…) [5].

Vận dụng kiến thức vào thực tiễn là sử dụng các kiến thức đã có áp dụng vào thực tiễn, để giải quyết các tình huống đa dạng và phức tạp một cách có hiệu quả.

Theo tác giả Phan Thị Thanh Hội và Nguyễn Tuyết Mai (2017):KN VDKT vào thực tiễn của HS là khả năng người học nhận diện được các vấn đề trong thực tiễn, huy động được các kiến thức đã học hoặc tìm tòi, khám phá kiến thức nhằm giải thích, phân tích, đánh giá, đề xuất và thực hiện được các biện pháp giải quyết các vấn đề đó,....” [3].

Dựa vào định nghĩa trên, trong nghiên cứu của mình, chúng tôi định nghĩa KN VDKT vào thực tiễn như sau: “KN VDKT vào thực tiễn là khả năng của cá nhân có thể thực hiện thuần thục một hay một chuỗi hành động dựa trên kiến thức, kinh nghiệm đã có của bản thân hoặc tìm tòi, khám phá kiến thức mới để giải quyết được các vấn đề thực tiễn một cách có hiệu quả”.

Người có KN VDKT vào thực tiễn cần đảm bảo các yêu cầu sau:

1) Có tri thức về vấn đề thực tiễn cần giải quyết.

2) Thực hiện hành động hoặc chuỗi các hành động GQVĐ theo logic nhất định.

3) GQVĐ có hiệu quả trong các tình huống quen thuộc và cả các tình huống có thêm yếu tố mới (các tình huống đa dạng phức tạp khác của cuộc sống).

4) Đánh giá và rút kinh nghiệm được các hành động trong các tình huống, điều kiện khác nhau.

2.3. Vai trò của phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho HS

– Phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho HS sẽ làm thay đổi nhận thức của giáo viên, đồng thời đòi hỏi người giáo viên phải thiết kế được các hoạt động học tập cho chính người học mà ở đó các hoạt động học tập phải gắn với mục tiêu giáo dục, thúc đẩy việc gắn kiến thức lý thuyết và thực hành trong nhà trường với thực tiễn đời sống.

– Phát triển KN VDKT vào thực tiễn không chỉ giải quyết các vấn đề thực tiễn liên quan đến kiến thức trong nhà trường mà còn hướng đến đào tạo cho người học có năng lực tiếp cận với các vấn đề đa dạng phong phú của cuộc sống, tiếp cận với quá trình sản xuất vật chất và quá trình nghiên cứu khoa học sau khi kết thúc cấp THPT.

– KN VDKT vào thực tiễn có vị trí quan trọng trong mục tiêu giáo dục ở trường phổ thông, nhất là đối với các môn khoa học thực nghiệm, trong đó có môn Sinh học. Do đó, phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho học sinh trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông không chỉ thực hiện mục tiêu       dạy học môn Sinh học mà còn góp phần hình thành năng lực chung theo chuẩn đầu ra chương trình giáo dục phổ thông.

– KN chỉ được hình thành và phát triển thông qua hoạt động và rèn luyện. Trong xu hướng dạy học tiếp cận phát triển năng lực người học, kiến thức, kĩ năng của môn học chưa phải là mục tiêu cuối cùng, mà làm sao để HS có thể vận dụng kiến thức, kĩ năng đó để thực hiện thành công các hoạt động học tập trong tình huống thực. Theo tiếp cận này, giáo viên sẽ phải chuyển từ nội dung kiến thức của bài học thành các hoạt động học tập cho học sinh, gắn hoạt động học tập với thực tiễn. Như vậy,    hoạt động học tập vừa là mục tiêu, vừa là nội dung, phương pháp của quá trình dạy học.

– Phát triển KN VDKT vào thực tiễn không chỉ giúp người học tự mình chiếm lĩnh, củng cố tri thức mà còn giúp người học thích nghi linh hoạt trong các điều kiện học tập, điều kiện sống. Điều này làm cho tri thức người học chiếm lĩnh được trở nên có ý nghĩa đối với người học, làm cho người học yêu thích môn học hơn, bài học sinh động hơn thông qua tổ chức GQVĐ thực tiễn.

Như vậy, có thể nói mục tiêu phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho học sinh trong dạy học Sinh học cấp THPT sẽ làm thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh theo hướng “học đi đôi với hành”, lí thuyết gắn với thực tiễn, nhà trường gắn với xã hội.

2.4. Quy trình phát triển KN VDKT vào thực tiễn

Để rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn, HS cần được liên tục đặt trong các VĐTT, gắn kiến thức bài học với thực tiễn, học qua thực tiễn và học bằng thực tiễn. HS phải thực hiện việc giải quyết các vấn đề đó một cách chủ động, phù hợp, sáng tạo.

Trong quá trình tổ chức dạy học, bằng các VĐTT, HS từng bước được rèn luyện các tiêu chí thành phần của KN VDKT vào thực tiễn. Quá trình rèn luyện được lặp đi lặp lại nhiều lần, KN VDKT vào thực tiễn trở thành năng lực bền vững trong nhân cách của HS và phát triển vững chắc theo thời gian. Phát triển KN VDKT vào thực tiễn chính là việc thực hiện nhiều lần một hay một chuỗi các hành động theo một trình tự logic nhằm giải quyết VĐTT đặt ra. Khi HS thông thạo cách giải quyết VĐTT, HS sẽ vận dụng để giải quyết các VĐTT gặp phải khác trong thực tiễn cuộc sống, ở mức cao hơn còn có thể đề xuất các vấn đề mới.

2.4.1. Nguyên tắc xây dựng quy trình rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn

Khi xây dựng quy trình rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

1) Rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn phải bám sát cấu trúc của KN đó.

2) Rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ dạy học là vừa phát triển kĩ năng vừa nâng cao chất lượng kiến thức môn học.

3) Quá trình rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn phải trải qua các cấp độ khác nhau. Các cấp độ này thể hiện mức độ tự lực của HS, tức là thể hiện ở việc tăng/giảm vai trò của GV và HS trong mỗi bước giải quyết các VĐTT.

4) Rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn phải gắn liền với quá trình đánh giá, tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau về sự phát triển KN VDKT vào thực tiễn ở mỗi HS.

2.4.2. Xây dựng quy trình phát triển KN VDKT vào thực tiễn

Các tác giả Phan Thị Thanh Hội và Nguyễn Tuyết Mai (2017) đã đề xuất quy trình rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn gồm: tiếp cận tình huống thực tiễn; khám phá kiến thức liên quan và GQVĐ thực tiễn; báo cáo, thảo luận và rút ra kinh nghiệm; vận dụng nâng cao; và đánh giá, đề xuất vấn đề mới [3].

Trong nghiên cứu này, chúng tôi đề xuất quy trình rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn cho HS theo tiếp cận GQVĐ thông qua các bước sau đây (Hình 1):

Hình 1. Quy trình phát triển KN VDKT vào thực tiễn

Từ sơ đồ trên, chúng tôi đã mô tả cụ thể, tường minh hơn các yêu cầu, các hoạt động cụ thể cho từng bước (Bảng 1) như sau:

Bảng 1. Quy trình phát triển KN VDKT vào thực tiễn cho HS

Tên các bước

Yêu cầu đạt được

Bước 1:

Nêu vấn đề thực tiễn

– Phát hiện được vấn đề thực tiễn cần giải quyết.

– Nhận ra được mâu thuẫn phát sinh từ vấn đề thực tiễn.

– Nêu được vấn đề thực tiễn cần giải quyết thành một câu hỏi.

Bước 2:

Đặt câu hỏi, hình thành giả thuyết định hướng giải quyết vấn đề thực tiễn

– Tìm ra được mối liên hệ giữa kiến thức đã biết và vấn đề thực tiễn cần giải quyết.

– Phát biểu thành câu hỏi có vấn đề và câu trả lời giả định. Câu hỏi đặt ra phải rõ ràng, chứa đựng mục tiêu, giới hạn, phạm vi của vấn đề thực tiễn, có thể nêu lời giải giả định để nghiên cứu kiểm chứng trên cơ sở xác định bản chất vấn đề thực tiễn.

– Phát biểu được giả thuyết.

 

Tên các bước

Yêu cầu đạt được

Bước 3: Tìm tòi, huy động kiến thức liên quan vấn đề thực tiễn

– Thu thập, lựa chọn, sắp xếp được những nội dung kiến thức, kĩ năng liên quan đến vấn đề thực tiễn.

– Trừu xuất, sắp xếp được các nội dung kiến thức, kĩ năng liên quan đến vấn đề thực tiễn được một cách lôgic, khoa học làm cơ sở lý thuyết đề giải quyết vấn đề thực tiễn.

Bước 4: Giải quyết vấn đề thực tiễn

– Vận dụng được kiến thức Sinh học và các môn liên quan đề xuất được phương pháp giải quyết vấn đề thích hợp.

+ Nghiên cứu tài liệu giải thích được vấn đề thực tiễn.

+ Thực nghiệm nghiên cứu để giải thích, chứng minh được vấn đề thực tiễn.

+ Thiết kế được mô hình STEM đảm bảo khoa học gắn với giải quyết vấn đề thực tiễn.

– Xác định được quy trình (các hoạt động hoặc chuỗi hoạt động) kĩ thuật giải quyết vấn đề thực tiễn.

– Xác định được các điều kiện để thực hiện được quy trình.

– Thực hiện được các hoạt động giải quyết vấn đề thực tiễn.

Bước 5: Kết luận, báo cáo kết quả

– Nêu được kết quả của quá trình giải quyết vấn đề thực tiễn.

Đối chiếu được kết quả giải quyết vấn đề thực tiễn với giả thuyết ban đầu để đưa ra kết luận xác nhận hay phủ nhận giả thuyết.

– Tổng kết, đánh giá, kết luận được vấn đề.

Vận dụng được kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn khác trong cuộc sống như chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, công nghệ sinh học ...

– Có thể đề xuất được các ý tưởng mới về vấn đề đó hoặc các vấn đề thực tiễn khác liên quan.

 

2.5.  Ví dụ về vận dụng quy trình để phát triển KN VDKT vào thực tiễn trong dạy học Sinh học cấp THPT

Ví dụ vận dụng quy trình phát triển KN VDKT vào thực tiễn trong dạy học Sinh học 11 (Bài 12: Hô hấp ở thực vật) gắn với vấn đề thực tiễn: Cây ăn quả có múi (cam, bưởi) ở Huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh bị héo và chết nhiều sau lũ lụt năm 2016.

 

Tên các bước

Nhiệm vụ của học sinh

Bước 1:

Nêu vấn đề thực tiễn

– HS quan sát vườn các hộ dân ở xã Hương Trạch, Hương Khê sau trận lũ 2016.

– Thu thập số liệu về số cây ăn quả có múi bị héo, bị chết sau trận lũ lụt.

– Tìm hiểu thông tin về trận lũ (mức nước, thời gian ngập lụt,...)

– Đặt tên vấn đề thực tiễn cần nghiên cứu: tìm hiểu nguyên nhân cây bưởi, cây cam bị héo và chết sau trận lũ lụt năm 2016 ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Tên các bước

Nhiệm vụ của học sinh

Bước 2:

Đặt câu hỏi, hình thành giả thuyết định hướng giải quyết vấn đề thực tiễn

Đặt các câu hỏi:

– Những nguyên nhân nào làm cho cây bưởi, cam chết nhiều sau lũ lụt?

– Cây bị ngập úng không hô hấp được có dẫn đến héo và chết không?

– Những bệnh nào xuất hiện nhiều sau lũ lụt làm cho cây chết?

Giả thuyết vấn đề:

– Lũ lụt làm cho cây đổ gốc, gãy, ngập úng lâu ngày làm cho cây héo và chết.

– Cây ngập úng lâu ngày rễ cây không hô hấp được dẫn đến héo và chết.

Bước 3: Tìm tòi, huy động kiến thức liên quan vấn đề thực tiễn

– HS tìm hiểu tài liệu từ SGK Sinh học 11, internet, tạp chí khoa học,… rút ra nhận xét: cây cam, bưởi héo và chết nhiều sau lũ lụt có thể do nhiều nguyên nhân: do lũ làm bật gốc gãy đổ, do ngập úng lâu ngày cây bị thối rễ, do bệnh thối gốc, bệnh nấm,…

– Tìm hiểu thực trạng thời tiết như mưa lũ, hạn hán tại địa phương.

Bước 4: Giải quyết vấn đề thực tiễn

– HS thiết kế các hoạt động để tìm hiểu nguyên nhân cây héo và chết.

+ Thiết kế thí nghiệm

+ Thiết kế mô hình STEM

– Tổ chức các hoạt động/chuỗi hoạt động giải quyết vấn đề tại sao cây cam, bưởi cây héo và chết nhiều sau lũ lụt.

– HS thiết kế thí nghiệm chứng minh cây cam, bưởi ngập úng lâu ngày sẽ héo và chết.

– HS thiết kế mô hình STEM: lũ lụt xói mòn đất, làm cây đổ gốc, gãy, ngập úng, thối rễ.

Bước 5: Kết luận, báo cáo kết quả

Cây cam, bưởi héo và chết sau lũ lụt năm 2016 do các nguyên nhân chủ yếu sau:

– Do lũ cuốn làm đổ gốc.

– Đối với cây trên cạn (cam, bưởi,…) khi bị ngập úng rễ cây thiếu ôxi

⇒ ảnh hướng xấu đến sự hô hấp bình thường của rễ, tích lũy các chất độc hại đối với tế bào. 

⇒ làm cho lông hút chết và không hình thành được lông hút mới.

⇒ cây không hấp thụ được nước.

⇒ cân bằng nước trong cây bị phá hoại và chết.

– Sau lũ lụt một số bệnh như thối cổ rễ, nấm mốc,… xuất hiện nhiều hơn làm cho cây héo và chết.

– HS vận dụng kiến thức Hô hấp ở thực vật vào trồng trọt, giải thích các hiện tượng thực tiễn khác,...

3. Kết luận

Trên đây chúng tôi đã định nghĩa vấn đề thực tiễn, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, vai trò của kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn và quy trình phát triển kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn trong dạy học ở trường THPT. Bài viết đã trình bày ví dụ minh họa áp dụng quy trình trong dạy học Sinh học 11 qua vấn đề thực tiễn “Cây ăn quả có múi (cam, bưởi) ở Huyện Hương Khê, Tỉnh Hà Tĩnh bị héo và chết nhiều sau lũ lụt năm 2016”. Quy trình này đã được cụ thể hóa thành bài dạy Sinh học, kết hợp với hoạt động trải nghiệm sáng tạo và thực nghiệm ở lớp 11A, 11B của trường THPT Thành Sen, Tỉnh Hà Tĩnh bước đầu cho kết quả khả thi. Từ nghiên cứu này có thể giúp cho giáo viên, HS THPT tham khảo, rèn luyện KN VDKT vào thực tiễn trong quá trình dạy và học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] M.Rô-den-tan và P.I-U-đin, 1976. Từ điển triết học. NXB Sự thật, Hà Nội, tr. 526-527.

[2] Nguyễn Thị Hằng, 2015. Tổ chức hoạt động học theo vấn đề trong dạy học Sinh thái học ở Khoa Sinh, trường ĐHSP, Luận án Tiến sĩ khoa học giáo dục, ĐHSP Thái Nguyên.

[3] Phan Thị Thanh Hội, Nguyễn Thị Tuyết Mai, 2017. Rèn luyện cho học sinh kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn dạy học Sinh học 11. Tạp chí Giáo dục, Số. 411, trang 37-40.

[4] Makarenkô, 1976. Giáo dục trong thực tiễn (Thiên Giang dịch), NXB Thanh niên, tr. 25-41.

[5] Hoàng Phê, 2007. Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.

[6] Trần Thái Toàn, 2014. Rèn luyện kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn trong dạy học Sinh học THPT. Tạp chí Thiết bị Giáo dục, Số. 111, tr.31-32, 60.

Trần Thái Toàn1Phan Thị Thanh Hội2

1Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh

 2Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

 


Tác giả: quản trị sở
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết