Tổ Ngữ văn trường THPT Nguyễn Công Trứ tổ chức dạy học gắn với di sản tại khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và Nhà thờ Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ
Tổ Ngữ văn trường THPT Nguyễn Công Trứ tổ chức dạy học gắn với di sản tại khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du và Nhà thờ Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ
Vào cuối tháng ba, khi tiết trời cuối xuân vẫn còn se lạnh và nhuốm sắc nắng hanh vàng, tổ Ngữ văn trường THPT Nguyễn Công Trứ cùng các em học sinh đã có chuyến trải nghiệm đầy ý nghĩa tại khu di tích lưu niệm Nguyễn Du và nhà thờ Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Hành trình đã mở ra trước mắt chúng tôi một không gian mang dấu ấn lịch sử và văn hóa sâu sắc.
Ngay tại khu di tích lưu niệm Nguyễn Du, đoàn chúng tôi đã được nghe thuyết minh xúc động những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và những giá trị sâu xa của "Truyện Kiều" như vang vọng trong không gian:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Những hiện vật lưu giữ tại đây không chỉ là những tài liệu lịch sử quý báu, mà còn là những chứng tích sinh động về một nhân cách lớn, người mà chữ "Tâm" vẫn sáng ngời trong lòng bao thế hệ học trò.
Sau khi tham quan khu di tích lịch sử Nguyễn Du thầy trò chúng tôi tiếp tục hành trình đến khu mộ của danh nhân để dâng hương tưởng nhớ.
Không gian nơi đây tĩnh lặng, trang nghiêm, giữa những hàng cây xanh và làn gió xuân nhè nhẹ, càng làm tăng thêm sự thành kính trong lòng mỗi người. Tại khu mộ Nguyễn Du (thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), đứng trước tấm bia đá khắc ghi tên tuổi đại thi hào, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghĩ về một con người đã dành trọn cuộc đời cho văn chương, để lại cho hậu thế kiệt tác Truyện Kiều – một áng văn bất hủ của dân tộc. Những nén hương thơm được thắp lên như một lời tri ân sâu sắc với bậc đại thi hào, người đã làm rạng danh nền văn học nước nhà. Trong khoảnh khắc lặng người bên phần mộ, câu thơ quen thuộc của ông như vang vọng đâu đây: "Đau đớn thay phận đàn bà Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung."
Tiếp nối chuyến hành trình, chúng tôi đến thăm khu lưu niệm Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Không gian này gợi lên trong lòng chúng tôi những cảm xúc tâm hồn về một con người tài hoa, vừa là một tướng quân kinh bang tế thế, vừa là nhà thơ với những tác phẩm để đời.
Tại đây, các em học sinh được nghe các nghệ nhân hát những bài ca trù do Nguyễn Công Trứ sáng tác. Ông là tác giả tiên phong trong việc định hình lối Hát nói phổ biến bậc nhất hiện nay của Ca trù. Ca trù của Cụ không chỉ còn dừng lại ở sự tôn vinh của nhân dân, mà Ca trù đã chính thức được tổ chức UNESO đưa vào danh sách văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tầm nhìn xa và niềm đam mê nghệ thuật của ông cha xưa thành của cải và niềm tự hào cho con cháu hôm nay.
Giọng hát bổng trầm, lời ca đặc sắc đã góp phần làm cho chuyến trải nghiệm trở nên ý nghĩa hơn.
Sau đó, chúng tôi đến thắp nén tâm hương tại khu mộ Nguyễn Công Trứ, tọa lạc tại xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Mộ phần của ông nằm giản dị giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình, đúng như tinh thần một người cả đời coi nhẹ danh lợi, sống hết mình với lý tưởng cao đẹp. Trước nén hương trầm mặc, thầy trò chúng tôi càng thêm thấu hiểu về một nhân cách lớn, một con người vừa là danh tướng, vừa là thi nhân tài ba. Lời thơ của ông như vang vọng giữa không gian:
"Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông."
Chuyến trải nghiệm thực tế không chỉ là cơ hội để thầy và trò hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của hai nhân vật lịch sử, mà còn là dịp để chúng tôi thể hiện lòng tôn kính đối với những bậc tiền nhân, những con người đã góp phần làm nên hồn thiêng của dân tộc. Chắc chắn, những hình ảnh và cảm xúc trong chuyến đi sẽ là ký ức đẹp trong lòng mỗi người.
Buổi viếng thăm khép lại trong những cảm xúc sâu lắng. Chuyến đi không chỉ là dịp để tri ân hai bậc danh nhân kiệt xuất, mà còn là một bài học lớn về nhân cách, về lòng yêu nước và tinh thần cống hiến. Những giá trị ấy sẽ còn mãi trong tâm hồn mỗi học sinh, trở thành hành trang quý báu trên con đường tri thức và cuộc đời.
BAN TRUYỀN THÔNG