Saturday, 21/06/2025 - 17:50|
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CỦA SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH HÀ TĨNH
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

THẦY TRẦN QUỐC NGHỆ NHÀ GIÁO MẪU MỰC

Năm 1958 tôi thi đậu vào trường cấp III Phan Đình Phùng. Từ Nghi Xuân quê tôi vào trường Phan Đình Phùng ở thị xã Hà Tĩnh trên 50km. Hồi đó đường sá khó khăn, lại phải đi bộ ven theo đường làng, như qua Cổ Đạm, Cương Gián, Truông Vùn vào Thịnh Lộc, Chợ Huyện qua đò Hộ Độ… Đi bộ từ sáng sớm đến tối mịt mới đến được nơi ở trọ xóm Trung Hào, xã Thanh Phú, huyện Thạch Hà.

Trường Phan Đình Phùng có 18 lớp (3 lớp 8, 3 lớp 9, 3 lớp 10), gồm học sinh ở tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Quảng Bình và một số thuộc con em miền Nam tập kết. Xa nhà, thầy và bạn đều ở khắp nơi về nên thật bỡ ngỡ đối với cậu thiếu niên mới 14 tuổi.

Tôi được phân vào lớp 8B, lớp có thầy Phan Đường dạy toán, thầy Trần Quốc Nghệ dạy văn, thầy Đỗ Xuân Vượng dạy lý, thầy Nguyễn Thung dạy hóa, thầy Nguyễn Khắc Thứ dạy sinh vật… toàn những thầy có tiếng tăm trong ngành giáo dục thời đó.

Trong số các thầy thì hai thầy dạy văn và dạy toán lớp tôi đều có những cá tính riêng. Thầy Đường vào lớp giảng một mạch, thầy giảng dễ hiểu, giọng nhỏ nhẹ, giảng xong bài là ra không tiếp xúc với học sinh. Còn thầy Nghệ thì khác, thầy giảng văn nhưng kiệm lời, thầy quan sát các em với đôi mắt lạ lắm, chúng tôi nói với nhau nhìn như là có thôi miên. Tôi nhỏ nhất lớp được xếp ngồi hàng đầu, nên thầy thường hay nhìn tôi, nhiều lúc tôi cũng sợ và cúi mặt. Như phát hiện được điều đó, nên thường vào giờ ra chơi thầy ở lại nói chuyện với tôi chứ không lên văn phòng. Thầy hỏi quê em ở đâu. Dạ ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Xa thế mà em vào đây học là giỏi quá, quê hương Cụ Nguyễn Du mà. Thế em có biết Cụ Nghè Mai (Nguyễn Mai) không. Dạ em biết Cụ Nghè, nhà Cụ ở gần nhà em. Thầy em (tôi gọi cha bằng thầy) trước đây là nhà giáo dạy ở trường làng nên được Cụ Nghè quý, hay mời đến chơi thỉnh thoảng dắt em đi theo. Rồi thầy nói lẩm bẩm: Cụ Nghè Mai mất, mất đi một nhân chứng sống kèm theo những tư liệu quý về Cụ Nguyễn Du. Về sau này tôi mới suy đoán ra lúc đó thầy Nghệ đang nghĩ gì…

Khi biết tôi một thân một mình từ Nghi Xuân vào lại phải ở trọ, làm thuê để đi học thì thầy thương lắm. Thầy kể chuyện hồi đi học thầy cũng phải vượt khó thế nào, cũng phải có ý chí và nghị lực thế nào để đậu được tú tài. Càng về sau tôi nhận biết thầy có đồng cảm với mình và tôi xem thầy như một tấm gương để noi theo.

Thật tình mà nói mỗi thầy giáo giảng bài có thuật riêng. Có hôm thầy Nghệ vắng thầy Cang dạy lớp 10 đến dạy thay thì thấy giảng sôi nổi, hấp dẫn…, còn thầy Nghệ nói chậm rãi nhưng cô đọng, sâu lắng. Thầy thiên về giảng giải, nhất là gắn với lịch sử, với ca dao, tục ngữ, phong tục tập quán và có lúc cả thời cuộc nữa.

Hầu như các thầy ở trong trường không ai giống thầy Nghệ cả, thầy sống có chút bất cần, ít tâm sự với ai, nhưng lại rất thương và gần gũi học trò. Còn cuộc sống của thầy thì xuềnh xoàng và hết sức đơn giản. Có hôm thầy dắt tôi vào phòng ở, chỉ có chiếc dường rộng 1m2 với chiếc chiếu cũ rách. Có cái bàn nhỏ với một chồng mấy quyển sách và giáo án…

Thầy có chiếc xe đạp mà về sau này đã trở thành giai thoại của trường Phan Đình Phùng. Số là một hôm thầy đang giảng bài, có một người đến xin gặp. Sau đó vào lớp thầy bảo với chúng tôi không có chuyện gì, họ mang xe đạp đến trả. Thì ra mới biết hôm qua thầy đi ra cửa hàng bách hóa, lúc ra về gặp người bạn rủ đi chơi bỏ quên xe đạp mà suốt cả ngày đêm thầy cũng không nhớ và cửa hàng không biết của ai. Sau đó hỏi ra mới biết xe của thầy Nghệ. Xe đạp thầy Nghệ ở thị xã Hà Tĩnh dạo đó nhiều người biết, chỉ có cái khung và hai bánh, không phanh, không chuông, không đèn, không chắn bùn... Mà khung xe thời đó thì phải đăng ký, nên cũng không ai lấy làm gì, thế nên xe cứ ở đó, cửa hàng phải mang xe đến trả cho thầy. Thầy Nghệ là rứa đó…

Các thầy giáo ở trường Phan Đình Phùng như thầy Nguyễn Quát hiệu trưởng, thầy Đỗ Xuân Vượng hiệu phó, thầy Trần Quốc Nghệ, Trần Đình Đàn dạy văn, thầy Phan Đường, thầy Lê Yên dạy toán, thầy Trần Hữu Bảo dạy lý, thầy Nguyễn Thung dạy hóa, thầy Trần Văn Đệ dạy văn, đại biểu Quốc hội… là những tấm gương cho chúng tôi. Mỗi thầy mỗi vẻ, mỗi cá tính, nhưng đều rất yêu nghề và vì học sinh thân yêu dưới mái trường truyền thống Phan Đình Phùng. Như lẽ dĩ nhiên theo gương các thầy, khi tốt nghiệp phổ thông (năm 1961) tôi thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Tốt nghiệp khoa Lý - Toán Trường Đại học sư phạm Hà Nội, tôi được về dạy vật lý và làm Bí thư Đoàn trường ở trường cấp III Hương Khê (1964-1969). Rất may tôi lại trở thành đồng nghiệp với các thầy. Hồi đó trong chiến tranh nhưng cứ nghỉ hè là giáo viên cấp III tập trung để tập huấn 1 tháng, chúng tôi thầy trò lại gặp nhau. Thầy Nghệ vẫn thế, sống rất giản dị, nhưng tự trọng, nghiêm túc và tình nghĩa.

Sau này tôi chuyển công tác không ở ngành giáo dục nữa, nhưng quan hệ thầy trò vẫn sâu nặng. Thầy trò vẫn gặp nhau luôn. Còn nhớ có lần, khi đó tôi làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, thầy đã nghỉ hưu nhưng vẫn đạp xe từ Hương Sơn đến nhà tôi ở Vinh, băn khoăn một điều nhờ tôi giải thích. Tại sao cùng phe xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc lại đem quân đánh Việt Nam, tại sao Liên Xô mạnh thế mà lại bị sụp đổ, phe XHCN tan rã. Tôi lý giải căn nguyên với thầy, nói thêm một số thông tin để thầy yên tâm. Việt Nam cũng đang bị cô lập, bị bao vây, cấm vận khó khăn lắm, nhưng Đảng ta đã và đang tìm cách để đổi mới nhưng vẫn đi theo con đường XHCN mà Bác Hồ đã chọn. Tôi biết thầy không phải đảng viên nhưng rất tin tưởng chế độ, niềm tin của một trí thức với sự nghiệp cách mạng, tin vào Đảng vào Bác Hồ. Nhưng thầy không thể hiểu vì sao lại thế, có lý giải gì thì trong lòng thầy vẫn cứ băn khoăn, hoài nghi… Nhưng rồi sau những giây phút trầm ngâm suy nghĩ, thầy nói thời cuộc khó hiểu quá, nhưng tôi tin vào lời em. Rồi thầy dặn, làm chính trị lúc này khó thật, em phải tỉnh táo, dù sao thì đã là đảng viên là cán bộ của Đảng em phải tin vào Đảng, phải vững vàng. Tôi cảm động và cảm nhận như thầy đang truyền thêm nghị lực cho tôi. Lời của thầy lúc đó cứ mãi theo tôi trong sự nghiệp và cho đến bây giờ. Hôm đó, tôi mời thầy ở lại ăn cơm. Trước lúc ra về thầy ôm tôi nhìn rồi nói, thầy về em nhé. Vẫn trên chiếc xe đạp cọc cạch với bộ quần áo đã mặc sờn tôi vô cùng cảm kích và nhớ mãi cuộc chia tay đó…

Về sau thỉnh thoảng ngày lễ, ngày tết hoặc đi công tác tôi vẫn đến thăm thầy. Và rồi như là có giao cảm, hôm đó tôi lên công tác ở huyện Hương Sơn, đang chủ trì cuộc họp thì có người báo tin thầy Nghệ đã mất. Tôi bàng hoàng và cố trấn tỉnh kết thúc sớm buổi họp để sớm kịp đến viếng thầy. Khi đến thì thầy vẫn đang nằm trên dường, chưa lượm, tôi nhìn thầy trong cặp mắt đã nhắm lại, nhưng vẫn còn thần thái của cụ Tú Nghệ, của một con người từng trải phong ba, cuộc đời giản dị, nghĩa tình, thanh cao, khiêm nhường có chút bất cần, đậm nhân cách ông đồ xứ Nghệ.

Thầy đi xa nhưng với các thế hệ học trò chúng tôi thì hình ảnh của người thầy, người trí thức, nhà giáo mẫu mực Trần Quốc Nghệ vẫn mãi là tấm gương sống rất đời thường.

                                                                      Bài viết:  TS. Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh (Ngày 10/5/2023).


Lượt xem: 196
Tác giả: Trường THPT Phan Đình Phùng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết